Những ngày lang thang vùng đất mới...
Tôi rất ấn tượng với những cái tên xã tại huyện Lâm Hà ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này vào cuối năm 2019.
Được biết Lâm Hà gồm 9 xã, mỗi xã được đặt tên theo 1 vùng đất ở Hà Nội, vì người dân ở đây hầu hết là di cư từ miền Bắc vào.
Lâm Hà cách sân bay Liên Khương 45 phút và cách Đà Lạt 60 phút lái xe, một khoảng cách không gần nhưng cũng không quá xa, đủ để phiêu du những cung đường lãng mạn trở về với Đà Lạt- đi qua đèo Tà Nung nên thơ uốn quanh ôm trọn những ngọn núi lớn nhỏ đan xe, trong cái khí trời lành lạnh, xe hơi thì không phải bật điều hoà, còn đi xe máy thì gió vù qua tóc mây bay. Vùng đất Đà Lạt mộng mơ xinh đẹp mà ai cũng yêu thích tự thuở thiếu thời hay mọi lứa tuổi khác, Đà Lạt để lại trong mỗi người những nỗi nhớ khó có thể xoá nhoà.
Từ Nam Ban, Gia Lâm, Tân Hà, Phúc Thọ hay Đông Thanh, Đan Phượng, đó đều là những cái tên thân thuộc với ai tưng biết Hà Nội và có dịp tham quan các tỉnh phía Bắc.
Nơi đầu tiên tôi đặt chân đến là xã Đông Thanh, một vùng đất hiền hoà hiếm có, với những con đường ngát xanh và êm đềm như những dải mây ngang trời.
Sáng hôm ấy là một buổi sáng đang độ giữa đông, gió lạnh và mát trời, không khí trong veo như cảnh tượng trong một bức tranh thuỷ mặc vừa mới khô màu mực. Con đường thôn Đông Thanh quanh co theo từng màu ngói đỏ, nơi ấy có những người dân hiền hoà và hiếu khách. Nghề chính của họ là trồng dâu nuôi tằm và trồng cà phê.
Đông Thanh dịu dàng hiền hoà không chỉ do thiên nhiên mà còn bởi những người dân nơi đây, họ có trái tim ấm áp và chân chất thật lòng. Tôi có dịp ở lại qua đêm ở một gia đình sống trên đỉnh đồi, tối ngắm trăng sao, nhưng có vẻ những ánh đèn ở thị trấn còn lấp lánh hơn cả những vì sao đêm. Sau bữa cơm tối, thời tiết bắt đầu trở sương lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng như 1 chiếc chăn bông mỏng. Sáng sớm tôi đi hái cam với cô bé thôn Đông, 2 chị em leo tít lên đỉnh núi sẽ đến một vườn cam tuyệt ngon và không khí thì quá tuyệt vời. Mách nhỏ là muốn leo lên những đỉnh đồi cao tít, bạn phải có một đôi chân khoẻ.
Tôi chia tay ngôi làng Đông Thanh sau 2 ngày lang thang những vườn cam vườn cà, hẹn này gặp lại vùng đất hiền hoà ấy.
Trở về Sài Gòn với nhịp sống hối hả và những kỉ niệm đẹp về Đông Thanh.
Mãi sau này, trong một lần tình cờ nói chuyện cùng bạn bè, tôi được biết đến thị trấn Nam Ban, cách Đông Thanh 4km.
Thị trấn Nam Ban là 1 trong 2 thị trấn của huyện Lâm Hà ( thị trấn Nam Ban và thị trấn Đinh Văn), nơi có những tiện ích như chợ, bệnh viện, trường học lớn và được xem là khu vực trung tâm.
Có một lần tôi có dịp ghé đến Nam Ban, lúc ấy là mùa hè, mảnh đất này hiền hoà quanh năm, mùa đông hay mùa hè đều có khí hậu mát mẻ, mùa đông thì lạnh một chút còn mùa hè thì nắng ấm.
Những góc nhìn hiền hoà đến thị trấn Nam Ban có lẽ để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất.
Ngoài Đông Thanh và Nam Ban, tôi còn được biết đến xã Phúc Thọ với những hồ lớn nhỏ rất đẹp đan xen nhau. Và người dân thường sinh sống ven hồ nên thơ như 1 dải lụa đào.
Gần đây, tôi được biết đến xã Đan Phượng, một vùng đất yêu thương ngay trung tâm xã.
Đó là một buổi sáng đẹp trời đầy sương mù giăng lối, Đan Phượng khoát lên mình vẻ đẹp dịu dàng xuyên màn đêm bao phủ sương giăng.
Nắng lên, nơi này đẹp dịu dàng trong màu mắt biếc, những con đường quanh co uốn lượn, gió mát lạnh và nắng đẹp cả một góc trời.
Tôi đặc biệt thích hồ, cảm giác khi nhìn dòng nước xanh mát trong vắt hoà cùng màu trời, rát dễ chịu. Ở Lâm Hà, bạn dễ dàng bắt gặp màu xanh của lá, của đồi chè, vườn dâu. Cũng dễ câu cá ở một bở hồ lãng mạn trong một chiều hoàng hôn đẹp. Cũng dễ dàng bắt gặp những ánh mắt hiền hoà thân thiết của người dân chân chất hiền lành.
Lâm Hà luôn chào đón những người khách phương xa bằng tình yêu thương như thế.